Bí ẩn về thời gian 9 phút tạm hoãn báo thức trên iPhone
08/10/2021 12:57 GMT+7
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao khoảng thời gian tạm hoãn báo thức trên những chiếc iPhone lại mà 9 phút, mà không phải 5 phút hay 10 phút?
Nếu là một người dùng iPhone, bạn có thể đã quá quen với tiếng chuông báo thức ám ảnh, khiến bất cứ ai cũng phải thót tim mỗi sáng. Trong trường hợp chưa muốn rời khỏi giường, bạn cũng có thể chọn chức năng "báo lại" để tạm hoãn thời gian báo thức và ngủ thêm 9 phút.
Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao khoảng thời gian tạm hoãn này lại mà 9 phút, mà không phải 5 phút hay 10 phút?
Trên thực tế, khoảng thời gian 9 phút tạm hoãn này không phải ý tưởng hay phát minh của Apple. Theo iDropNews, nút "báo lại" lần đầu được các kỹ sư chế tạo đồng hồ thiết kế ra vào năm 1956 và khoảng thời gian tạm hoãn cũng kéo dài 9 phút. Dĩ nhiên, điều này không phải là một sự ngẫu nhiên.
Ban đầu, các kỹ sư chế tạo đồng hồ muốn thiết lập khoảng thời gian tạm hoãn báo thức kéo dài 10 phút. Tuy nhiên, việc cài đặt bánh răng trên đồng hồ để đạt được chính xác khoảng thời gian 10 phút gần như là điều không thể. Vì vậy, họ đã lựa chọn giải pháp thiết lập 9 phút.
Bên cạnh các yếu tố liên quan về mặt kỹ thuật, 9 phút cũng được xem là khoảng thời gian hoàn hảo đối với thiết lập tạm hoãn báo thức.
Theo đó, 9 phút là khoảng thời gian vừa đủ cho một giấc ngủ ngắn. Trong khi đó, nếu bạn ngủ quá 10 phút, cơ thể sẽ bắt đầu chìm vào giấc ngủ sâu. Điều này sẽ khiến cho việc thức dậy trở nên khó khăn hơn và gây ra cảm giác khó chịu cho cơ thể.
"Apple đã lựa chọn khoảng thời gian báo lại 9 phút dựa theo chu kỳ giấc ngủ, nhằm mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dùng. Tuy nhiên, bạn không lạm dụng tính năng này", Holly Schiff, chuyên gia về tâm lý học chia sẻ.
Theo iDropNews, việc sử dụng tính năng tạm hoãn báo thức mỗi sáng không phải là một thói quen tốt vì nó có thể làm gián đoạn và rối loạn đồng hồ sinh học của bạn. Bạn nghĩ rằng hành động ngủ cố thêm 9 phút sẽ giúp cơ thể bớt mệt mỏi trong suốt ngày dài, nhưng thực tế có thể hoàn toàn ngược lại.
Khi quyết định ấn vào nút tạm hoãn, cơ thể bạn sẽ dần chìm vào giấc ngủ trở lại, chỉ để tiếp tục được đánh thức ngay sau đó. Việc này có thể khiến cho bạn cảm thấy buồn ngủ hơn so với việc thức dậy ngay từ lần báo thức đầu tiên.